Bài này BeRich tổng hợp thêm một góc nhìn về bản chất của hình thức kinh doanh đa cấp. Mong rằng qua đó, bạn đọc sẽ hiểu thêm sự ra đời và phát triển của hình thức này, phân biệt kinh doanh đa cấp với những hình thức biến tướng bất chính để từ đó tự bảo vệ mình.
Kinh doanh đa cấp (KDĐC – Tiếng Anh: Multi-level Marketing) hoặc Kinh doanh theo mạng (KDTM – Network Marketing) hay Bán hàng đa cấp (tên gọi thông dụng tại Việt Nam) là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm. Đây là hoạt động kinh doanh bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty mà không phải qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ. Nhờ vậy, hình thức này còn tiết kiệm rất nhiều chi phí từ việc quảng cáo, khuyến mại, tiền sân bãi, kho chứa, vận chuyển hàng hóa. Số tiền này được dùng để trả thưởng cho nhà phân phối và nâng cấp, cải tiến sản phẩm tiếp tục phục vụ người tiêu dùng. Đây là phương thức kinh doanh tận dụng chính thói quen của người tiêu dùng: khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tốt thường đem chia sẻ cho người thân, bạn bè và những người xung quanh. Kinh doanh đa cấp gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội, và thường được quy kết với Hình tháp ảo.
Hình thành
Kinh doanh theo mạng gắn liền với tên tuổi của nhà hóa học người Mỹ Karl Renborg (1887-1973). Karl Renborg có 20 năm sống tại Trung Quốc và làm việc tại nhiều công ty khác nhau. Giữa những năm 1920-1930, chính quyền rơi vào tay Tưởng Giới Thạch, Karl bị chính quyền Tưởng bắt giam cùng với những người nước ngoài khác. Trong điều kiện sống rất thiếu thốn của nhà tù, ông đã nhận thấy vai trò của dinh dưỡng đối với sức khỏe con người. Để khắc phục điều kiện sống thiếu dinh dưỡng, Renborg đã tìm ra phương pháp cạo sắt từ những chiếc đinh gỉ trộn thêm vào khẩu phần ăn và thỏa thuận với cai tù để xin các loại rau cỏ khác nhau. Ông và một số ít bạn tù làm theo phương pháp này nên có sức đề kháng tốt hơn và sống sót được đến ngày trở về quê hương.
Năm 1927, Karl về Mỹ và bắt đầu chế biến các chất bổ sung dinh dưỡng khác nhau dựa trên cỏ linh lăng là một loại cỏ có chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất, đạm và nhiều vi chất có ích khác. Ông đề nghị những người quen của ông thử nghiệm miễn phí sản phẩm nhưng không ai dám dùng thử vì họ không muốn mình làm vật thí nghiệm. Sau nhiều cố gắng mà không đem lại được kết quả, ông hiểu ra rằng chẳng ai chịu đánh giá tốt những thứ cho không, vì vậy ông đã đưa ra một ý tưởng, mà sau này đã phát triển thành một ngành kinh doanh tiên tiến.
Ông Renborg đề nghị các bạn của ông giới thiệu chất bổ sung dinh dưỡng này cho người quen của họ, nếu người quen của họ mua sản phẩm thì ông hứa sẽ trả hoa hồng. Ông cũng quyết định trả hoa hồng cho các người quen của bạn mình nếu giới thiệu sản phẩm tiếp theo quan hệ của họ. Kết quả thật bất ngờ: thông tin về các chất bổ sung dinh dưỡng có lợi bắt đầu được truyền bá rộng rãi (vì mỗi người bạn của ông lại có nhiều người bạn khác và bạn của bạn của bạn là vô hạn). Doanh thu bán hàng của công ty tăng vượt quá sức tưởng tượng, mọi người đề nghị gặp ông để tham khảo về thông tin sản phẩm mới này.
Năm 1934, ông sáng lập ra công ty Vitamins California và nhờ phương pháp phân phối mới này, khi người tiêu dùng cũng trở thành người phân phối sản phẩm, công ty của ông đã nhanh chóng đạt doanh số 7 triệu USD mà không hề mất một đồng quảng cáo nào. Sự độc đáo ở chỗ nhờ tiết kiệm được chi phí quảng cáo và các khâu trung gian (đại lý, bán lẻ, kho bãi…) nên những người tham gia vào hệ thống của ông có thể nhận được thù lao cao hơn.
Phát triển
Cuối năm 1939 đầu 1940 ông Renborg đổi tên công ty thành Nutrilite Products theo tên sản phẩm và vẫn giữ nguyên phương pháp tiêu thụ. Những cộng tác viên của ông tự tìm người mới, chỉ cho người mới đầy đủ thông tin về sản phẩm và dạy cho người mới phương pháp xây dựng mạng lưới bắt đầu từ những người quen của mình. Công ty đảm bảo cho tất cả nhà phân phối độc lập có đủ sản phẩm và nhận hoa hồng không chỉ lượng sản phẩm họ bán ra mà còn trả hoa hồng cho lượng sản phẩm được bán ra bởi những người do họ trực tiếp tìm ra. Những người tham gia mạng lưới của công ty nhận được sự giúp đỡ hướng dẫn tận tình của người bảo trợ. Phương pháp phân phối hàng của ông Renborg chính là khởi điểm của ngành Kinh doanh theo mạng, ở đây ông chỉ mới áp dụng một tầng, và trong nhiều tài liệu thì năm 1940 là năm khởi đầu của kinh doanh đa cấp và Renborg được coi là ông tổ của ngành kinh doanh này.
Sau một thời gian làm việc có hiệu quả với công ty Nutrilite Products, Rich De Vos và Jay Van Andel (2 cộng tác viên của công ty) nhận thấy sức mạnh to lớn của KDTM và đã sáng lập ra công ty riêng của mình mang tên American Way Corporation, viết tắt là AMWAY và hiện nay Amway đã trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới trong ngành kinh doanh đa cấp với chi nhánh trên 80 quốc gia.
Ổn định và bùng nổ
Tuy nhiên vào đầu thập niên 1970, việc bán hàng đa cấp lại chịu sức ép từ nhiều phía khác nhau. Năm 1975, trong hội đồng liên bang Hoa Kỳ có những người phản đối kinh doanh đa cấp và quy kết nó với cái gọi là “hình tháp ảo” – một hình thức kinh doanh bất hợp pháp. Đây là đòn đánh đầu tiên của chính phủ vào kinh doanh đa cấp, bắt đầu cuộc đấu tranh của các công ty bán hàng đa cấp để khẳng định chân lý, tính đúng đắn của mình. Công ty Amway trong bốn năm liền phải theo hầu tòa (từ năm 1975-1979). Sau cùng, cuối năm 1979 toà án thương mại Liên Bang Hoa Kỳ công nhận phương pháp kinh doanh của Amway không phải là “hình tháp ảo” và được chấp nhận về mặt luật pháp. Từ đó Bộ luật đầu tiên về kinh doanh đa cấp đã ra đời tại Mỹ. Từ năm 1940 đến 1979 chỉ có khoảng 30 công ty KDTM ra đời tại Mỹ, đây là giai đoạn được gọi tên là làn sóng thứ nhất.
Từ 1979-1990 (làn sóng thứ hai) là thời kì bùng nổ của KDTM. Mỗi sáng ngủ dậy chúng ta có thể thấy hàng trăm công ty KDTM tuyên bố thành lập với đủ loại sản phẩm và mô hình kinh doanh.
Từ năm 1990, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ và truyền thông, KDTM mang màu sắc mới, Các NPP có thể đơn giản hoá công việc của mình nhờ vào điện thoại, internet… Ở giai đoạn này – mà theo các chuyên gia gọi là làn sóng thứ ba – NPP giỏi không cần phải là một nhà hùng biện và đi lại như con thoi giữa các mạng lưới. Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình để tham gia công việc và làm việc ở bất cứ đâu. Các công ty bán hàng truyền thống như Ford, Colgate, Coca-cola và nhiều công ty nổi tiếng khác đã bắt đầu áp dụng phương pháp KDTM để phân phối sản phẩm độc đáo của mình.
Tại Việt Nam
Đầu thế kỉ 21, kinh doanh đa cấp bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam và đạt tổng doanh thu không ngờ trong hai, ba năm đầu. Kinh doanh đa cấp phát triển quá mạnh mẽ khiến cho lợi nhuận từ việc quảng cáo của các báo đài, truyền hình có thể bị ảnh hưởng, cộng thêm nhiều công ty lừa đảo núp bóng kinh doanh đa cấp và một bộ phận không nhỏ nhà phân phối sai trái đã làm cho dư luận bắt đầu lên tiếng phản đối kinh doanh đa cấp.
Đến thời điểm cuối năm 2004, tại Việt Nam đã có khoảng 20 Công ty bán hàng đa cấp phân phối sản phẩm chủ yếu về ngành chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp. Để hoà nhập với xu hướng chung của thế giới cũng như đáp ứng tình hình thực tế tại Việt Nam hành lang pháp lý về kinh doanh theo mạng đã dần hình thành.
Sản phẩm
Sản phẩm đánh giá sự tồn tại lâu dài của một công ty KDTM vì vậy sản phẩm trong kinh doanh đa cấp phải có chất lượng tốt (do sản phẩm được lan truyền từ người này đến người khác, nên nếu chất lượng không tốt thì sẽ không có sức lan truyền) – trong thực tế, người KDTM thành công, đầu tiên phải đam mê sản phẩm của mình, cần thiết cho hầu hết người tiêu dùng và được sử dụng thường xuyên. Các sản phẩm mang đáp ứng nhu cầu hầu hết của người tiêu dùng và sẽ được sử dụng liên tục sau đó:
- Hàng tiêu dùng
- Mỹ phẩm
- Thực phẩm ăn uống và Thực phẩm dinh dưỡng chức năng
Ngoài ra, sản phẩm phải đảm bảo tính độc quyền: nghĩa là chỉ bán thông qua các NPP của công ty, không bán rộng rãi trên thị trường; độc đáo: tức là trên thị trường không có sản phẩm tương tự.
Theo Điều 5, Nghị định 110/2005/NĐ-CP quy định về hàng hóa được kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp như sau:
- Tất cả hàng hóa đều được kinh doanh theo phương thức này, trừ những trường hợp sau:
- Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm lưu thông, Danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng giả, hàng nhập lậu
- Thuốc (thuốc phòng chữa bệnh cho người, thuốc thú y và thú y thủy sản, vắc xin, sinh phẩm; trang thiết bị y tế và dụng cụ y tế; nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh)
- Thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn; các loại chất độc hại và sản phẩm có hóa chất độc hại.
- Hàng hóa phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm.
- Đảm bảo rõ ràng, hợp pháp về nguồn gốc, xuất xứ tính năng, công dụng của hàng hóa;
- Có nhãn hàng hóa theo đúng quy định pháp luật.
Luật pháp
KDĐC được luật pháp nhiều nước công nhận và đã ban hành luật để quản lý hoạt động này. Ở Việt Nam luật về bán hàng đa cấp được ban hành vào ngày 24/8/2005.
Tại Việt Nam, Nhà nước và Luật Pháp cho phép về bán hàng đa cấp, nhưng cấm bán hàng đa cấp bất chính. Theo điều 48 Luật Cạnh tranh, Cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:
- Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp – một số công ty lách luật bằng cách yêu cầu người tham gia ký vào đơn tự nguyện mua sản phẩm, tuy nhiên, dù là thế nào, phải mua sản phẩm để được tham gia đều là bất hợp pháp.
- Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;
- Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.
Hình tháp ảo
Bán hàng đa cấp bất chính hay hình tháp ảo là một hiện tượng biến tướng của phương thức KDĐC, trong đó, lợi nhuận không thực sự được xuất phát từ giới thiệu sản phẩm mà từ việc tuyển mộ các thành viên mới. Đối tượng làm việc của KDTM là sản phẩm, còn đối tượng của hình tháp ảo là tiền, cho dù nó thường được quy đổi thành sản phẩm, hay dịch vụ nhất định thì nó vẫn là hình tháp ảo khi số lượng sản phẩm tiêu thụ được sẽ luôn tương xứng với số người tham gia (đối với hình thức chân chính, số lượng sản phẩm bán tùy thuộc vào khả năng nội tại của mỗi người). Khi đó, các công ty hình tháp ảo, sử dụng thuật ngữ “đa cấp” ám chỉ việc những người khởi xướng và phát động hệ thống (nằm ở đỉnh tam giác-kim tự tháp) lợi dụng và bóc lột những thành viên bên dưới (đáy tam giác).
(Theo Wikipedia)