Mạng nhện tín dụng đen

(TBKTSG) – Bên cạnh hệ thống ngân hàng, một mạng lưới tín dụng khác, thường được gọi là tín dụng đen, vẫn đang hoạt động rất thường xuyên, len lỏi vào các khu xóm dân cư và cũng ít nhiều gắn bó với các nhân viên ngân hàng.

Việc xét xử Huỳnh Thị Huyền Như vừa qua, theo thông tin trên các báo, đã làm lộ ra những đại gia cho Huyền Như vay nặng lãi đến cả ngàn tỉ đồng với lãi suất lên đến 3,7%/ngày. Tuy nhiên, không những tín dụng đen xuất hiện trong các hoạt động đầu tư tài chính, bất động sản như vụ Huyền Như, mà còn xuất hiện nhan nhản thông qua hình thức cho vay để người vay có tiền trả nợ đáo hạn ngân hàng.

Những doanh nghiệp hay hộ kinh doanh vay tiền ngân hàng để làm ăn thường vay trong khoảng thời gian một năm, hết một năm đó họ phải đem tiền mặt đến ngân hàng để trả và làm thủ tục xin vay tiếp. Thời gian làm thủ tục đối với một doanh nghiệp làm ăn tốt, trả lãi đúng hẹn thường chỉ khoảng hai ngày, sau đó tiền sẽ được giải ngân trở lại cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nhất là các hộ gia đình kinh doanh, không phải dễ dàng có được số tiền mà họ đã vay ngân hàng, thường là vài tỉ đồng trở lên trong vài ngày để làm thủ tục vay tiếp. Do vậy, trên thị trường đã xuất hiện một loại dịch vụ cho mượn tiền để đáo hạn ngân hàng và lãi suất tính theo ngày không hề thấp.

Theo tìm hiểu của người viết, chỉ riêng tại khu vực Bảy Hiền – khu vực chuyên mua bán vải sợi của cộng đồng người miền Trung, đã có khoảng hơn chục người làm dịch vụ này, và năm ngoái cũng đã chứng kiến vài vụ vỡ nợ của các chủ nợ cho vay. Những người làm dịch vụ này không chỉ lấy tiền của họ mà còn đi huy động từ nhiều người khác để cho vay. Những người có tiền nhàn rỗi, chủ yếu là các tiểu thương xung quanh khu vực này, không muốn để vào ngân hàng vì lãi suất quá thấp nên đã đưa cho những người làm dịch vụ cho vay tiền đáo hạn này, với lãi suất thấp nhất là 3%/tháng.

Chị T., một người làm nghề dệt tại khu vực này, cho biết cách đây hai năm chị cũng có khoản tiền dành dụm, tuy nhiên do cần vốn xoay liên tục và lãi suất ngân hàng thấp nên chị quyết định gửi cho bà D., một người kinh doanh theo dạng cho vay đáo hạn với lãi suất 3%/tháng, tức 36%/năm, cao hơn rất nhiều so với mức lãi tiền gửi trung bình ở ngân hàng. Nếu tiền chỉ rảnh trong vài ba ngày thì có thể gửi cho bà D. theo ngày cũng được.

tin-dung-den-2_large

Trả lời về việc rủi ro khi đưa tiền cho người khác như vậy, chị T. cho biết bà D. là bạn hàng với chị, có mấy căn nhà ở khu vực này, có con rể làm trưởng phòng tín dụng một ngân hàng nên biết hồ sơ nào có khả năng được vay tiếp, và bà D. trả lãi đều đặn một năm rồi nên chị cũng khá tin tưởng. Nhiều người quanh khu vực này cũng đưa tiền cho bà D. khá nhiều và có người đưa cả 6-7 tỉ đồng, chị T. cho biết.

Để tránh tiền mình chắc chắn không bị giữ tại ngân hàng, các chủ nợ cho vay đáo hạn thường làm quen với trưởng phòng tín dụng tại các ngân hàng, để nắm hồ sơ nào chắc chắn sẽ được duyệt cho vay tiếp. Hoặc mỗi chủ nợ có một chi nhánh ngân hàng ruột của mình, nếu người vay tiền bị một ngân hàng khác giữ tiền lại không cho vay, thì lập tức các chủ nợ này sẽ đem hồ sơ sang chi nhánh ngân hàng ruột của mình để vay vốn.

Thông thường cho vay đáo hạn thì lãi suất sẽ tính theo ngày, vào khoảng trên dưới 0,5%/ngày, tuy nhiên có chủ nợ tính ít nhất vay ba ngày, dù cho thủ tục chỉ cần hai ngày là xong, còn nếu hồ sơ bị giam lâu hơn thì lãi sẽ tăng lên nữa. Như vậy nếu vay ngân hàng khoảng 2,5 tỉ đồng, thì mỗi lần vay tiền ở ngoài để đáo hạn khoản nợ này, người vay cần phải trả tối thiểu 37,5 triệu đồng. Nếu người đi vay có quen biết thân hơn với chủ nợ thì lãi có thể giảm thấp hơn chút.

Hầu như tất cả nhân viên tín dụng ở các ngân hàng đều quen biết những chủ nợ cho vay đáo hạn, để nếu khách hàng của mình cần dịch vụ này thì giới thiệu lập tức. Ngoài ra, nếu khách hàng của mình được tiếp tục vay, nhân viên tín dụng đó cũng ghi điểm với ngân hàng.

Tuy nhiên, không phải không có những trường hợp mà ngân hàng không cho vay nữa, và các chủ nợ bị phá sản cũng vì vậy. Bà D. nói trên cũng từng lâm vào trường hợp này. Bà cùng một số chủ nợ khác cho vay một doanh nghiệp đầu tư dự án chợ ở một huyện tại Lâm Đồng để đáo hạn ngân hàng vào năm 2012. Tuy nhiên, năm đó lãi suất lên cao và các ngân hàng rất cẩn trọng khi cho vay, và hồ sơ này bị giữ lại, tiền không quay về với bà D. được.

Từ chỗ có vài ba căn nhà, xe hơi, xưởng dệt, bà D. đã bán tất cả để trả nợ cho những người đã gửi tiền cho bà, những người mà vừa nghe động tĩnh bất thường đã kéo đến ngồi tại nhà bà. Tuy nhiên, đến nay bà vẫn chưa trả hết tiền cho họ. Bà vẫn đang chờ đợi, tiếp tục kêu gọi những người khác cho dự án chợ được vay tiền để hoàn thiện phần thô, để ngân hàng duyệt cho vay. Có như vậy bà mới lấy tiền ra được. Tuy nhiên, đã hai năm trôi qua mà vẫn chưa thấy tiền…

Những ai đầu tư kinh doanh đều biết lợi nhuận cao sẽ đi kèm rủi ro lớn. Những người gửi tiền theo dạng này nên lường trước những rủi ro trong tương lai để cân nhắc, đừng vì cái lợi trước mắt mà có ngày lâm vào cảnh tù tội.

THỦY TRIỀU

(Nguồn: TBKTSG)

TRUY CẬP BERICH