06. Cách bạn tôi dạy con làm giàu

Như một thói quen, tôi biến những mong muốn được tiêu xài thành nguồn cảm hứng thúc đẩy thiên tư tài chính của mình trong việc đầu tư.

Con của bạn tôi có một thói quen rất xấu là hay đốt sạch đến đồng cuối cùng trong túi. Mới 16 tuổi nó đã muốn có chiếc xe hơi của riêng mình với lý do: “Tất cả bạn bè con đều được cha mẹ mua cho xe hơi riêng.” Thằng bé muốn lấy số tiền tiết kiệm của nó và đổi hết thành tiền mặt. Khi đó thì cha nó gọi điện cho tôi.

“Theo anh, tôi có nên cho nó làm thế không? Hay tôi nên làm như những bậc phụ huynh khác là mua hẳn chiếc xe cho nó?”

Tôi trả lời: “Điều đó sẽ làm giảm áp lực cho anh trong một tương lai gần, nhưng làm như thế, anh sẽ dạy nó điều gì trong tương lai xa? Anh thử dùng cái mong muốn có một chiếc xe này và khuyến khích con mình học được cái gì đó xem sao?”

Hai tháng sau, tôi gặp lại anh ta và hỏi. “Con trai anh có chiếc xe mới chưa?” “Chưa. Nhưng tôi đã cho nó 3.000$ để mua xe. Tôi nói nó hãy dùng số tiền này thay vì dùng tiền tiết kiệm học đại học của nó.”

Tôi nói: “À, anh thật rộng rãi đấy!”

“Không đâu. Tôi cho nó số tiền này với một điều kiện. Tôi đã làm theo lời khuyên của anh, lợi dụng khao khát muốn mua xe của nó để nó có thể học được cái gì đó.”
“Thế điều kiện gì?”

“À, đầu tiên chúng tôi mở bộ đồ chơi của anh ra, trò chơi “Vòng quay tiền mặt” ấy mà. Chúng tôi chơi và thảo luận rất lâu về cách sử dụng tiền bạc sao cho khôn ngoan. Sau đó tôi đặt mua dài hạn tờ báo Wall Street Journal và một số sách về thị trường chứng khoán cho nó.”

“Rồi sao nữa?”

“Tôi bảo 3.000$ này là của nó, nhưng nó không được trực tiếp dùng số tiền này để mua xe. Nó có thể dùng đế mua bán chứng khoán, tìm một người môi giới chứng khoán riêng và khi nó đã làm ra được 6.000$ từ 3.000$ này thì nó có thể dùng phân nửa để mua xe và phân nửa để dành đến khi vào đại học.”

Tôi hỏi: “Và kết quả thế nào?”

“À, ban đầu nó buôn bán rất may mắn, nhưng vài ngày sau thì thua hết số lời. Sau đó nó lại có tiền lãi. Đến hôm nay thì nó chỉ còn khoảng 2.000 $ thôi, nhưng số tiền lãi thì đang tăng lên. Nó đã đọc tất cả những cuốn sách tôi mua và nó còn đến thư viện mượn thêm những cuốn khác nữa. Nó đọc ngấu nghiến tờ Wall Street Journal, tìm các hướng dẫn và đã biết xem CNBC thay vì MTV. Sắp tới chắc nó chỉ còn 1.000$ thôi, nhưng số lợi tức và những gì nó học được thì rất nhiều. Nó biết là nếu làm mất tiền, nó sẽ phải đi bộ thêm 2 năm nữa. Nhưng dường như nó không còn quan tâm gì đến chuyện đó cả. Thậm chí nó còn tỏ ra không hứng thú với cái xe hơi vì nó đã tìm được một trò chơi khác vui hơn nhiều!”

Tôi hỏi: “Thế nếu nó làm mất hết tiền thì sao?”

“Đã phóng lao thì phải theo lao thôi. Chẳng thà tôi để nó mất mọi thứ lúc này còn hơn là chờ đến khi nó bằng tuổi chúng ta rồi mới bắt nó phải mạo hiểm. Vả lại, 3.000$ này là số tiền tốt nhất mà tôi đầu tư cho việc học của nó. Những gì nó đã học sẽ giúp ích cho nó suốt đời, và có vẻ như nó đã bắt đầu biết coi trọng tiền bạc. Tôi nghĩ nó sẽ không còn đốt đến đồng xu cuối cùng trong túi nữa đâu.”

day tre

Như một thói quen, tôi biến những mong muốn được tiêu xài thành nguồn cảm hứng thúc đẩy thiên tư tài chính của mình trong việc đầu tư.

Trong thời gian đầu, quá trình phát triển vòng quay tiền mặt từ cột tài sản trên lý thuyết là rất dễ dàng, nhưng chính sức chịu đựng tinh thần khi điều khiển tiền bạc mới là chuyện khó. Trong thế giới tiêu dùng ngày nay, những quyến rũ bên ngoài rất dễ đẩy tiền của chúng ta qua cột tiêu sản. Vì sự chịu đựng tinh thần kém mà tiền bạc chảy ra ở nơi có sức kháng cự yếu nhất. Đó là nguyên nhân của cái nghèo và việc phải vật lộn với tài chính.

Bạn huấn luyện mình và những người thân làm chủ tiền bạc càng sớm chừng nào thì càng tốt chừng nấy. Tiền bạc là một quyền lực hùng mạnh. Không may là người ta thường để cho sức mạnh của tiền bạc chống lại mình. Nếu bạn có một trí thông minh tài chính không cao, bạn sẽ không thể giữ được tiền. Nó sẽ khôn ngoan hơn bạn. Mà nếu tiền bạc khôn ngoan hơn bạn thì bạn sẽ phải làm việc cho nó suốt đời. Để làm chủ tiền bạc, bạn cần phải khôn ngoan hơn nó. Khi đó tiền sẽ làm theo những gì bạn yêu cầu. Nó sẽ tuân lệnh bạn. Thay vì phải làm một nô lệ cho đồng tiền, bạn sẽ là chủ nhân của nó. Đó chính là sự thông minh tài chính.
 

Nguồn: Cha giàu Cha nghèo (nguyên tác tiếng Anh: Rich dad Poor dad của Robert T.Kiyosaki và Sharon L.Lechter; biên dịch: Thiên Kim, Nhà xuất bản Trẻ). Đặt tựa và trích lược bởi BeRich.

TRUY CẬP BERICH