Trước đó vài tháng, Prudential Việt Nam đã cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm hưu trí. Sự vào cuộc của 2 DN lớn nhất trong ngành được kỳ vọng sẽ tạo không khí mới cho “sân chơi” này, đặc biệt trong phân khúc khách hàng DN. Thực tế, khách hàng DN là mục tiêu quan trọng của các DN bảo hiểm khi triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí.
Ngoài ra, theo các công ty bảo hiểm, bên cạnh danh tiếng DN, chính sách lương thưởng cạnh tranh, thì chế độ phúc lợi tốt chính là yếu tố quan trọng giúp DN nâng cao lợi thế tuyển dụng. Trong đó, bảo hiểm hưu trí được xem là một trong những giải pháp giúp các DN nâng cao chế độ phúc lợi cho nhân viên, đồng thời giúp người lao động chủ động lập kế hoạch tài chính cho một cuộc sống an nhàn, tự chủ về tài chính lúc về hưu. Chính vì vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai bảo hiểm hưu trí, các DN bảo hiểm đã chú trọng vào việc khai thác khách hàng ở phân khúc này.
Trở lại với câu chuyện hai DN có thị phần lớn nhất đã bước vào “đường đua” có làm mảng bảo hiểm hưu trí “nóng” lên? Theo các chuyên gia trong ngành, về doanh thu có thể sẽ chưa có sự đột phá, vì cần có thời gian để khách hàng nhận thức được tầm quan trọng và lên kế hoạch xây dựng tương lai hưu trí. Nhưng trước mắt, sự cạnh tranh về sản phẩm với những quyền lợi ưu việt hơn cho khách hàng chắc chắn sẽ xảy ra.
Là một trong những DN bảo hiểm đầu tiên đưa bảo hiểm hưu trí ra thị trường, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, mới đây, Manulife Việt Nam đã có những thay đổi cho sản phẩm này như nâng cao một số quyền lợi cho khách hàng.
Cụ thể, với sản phẩm “Manulife – Điểm tựa hưu trí”, ngoài những quyền lợi hưu trí, người lao động còn được bảo vệ toàn diện trước những rủi ro như tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn và quyền lợi trợ cấp mai táng.
So với một vài sản phẩm cùng dòng hưu trí trên thị trường, lãi suất cam kết của Manulife với sản phẩm này được đánh giá là hấp dẫn với 4%/năm cho 5 năm đầu tiên, 3%/năm cho 5 năm tiếp theo, 2%/năm cho các năm còn lại.
Trong khi đó, một số sản phẩm cùng dòng chỉ mang lại lãi suất 2 – 3%/năm cho tất cả các năm. Hơn thế, khách hàng tham gia “Manulife – Điểm tựa hưu trí” có thể được nhận thêm một tỷ lệ thưởng trên giá trị tài khoản hưu trí được chi trả vào mỗi ngày kỷ niệm hàng năm của hợp đồng.
Tất nhiên, việc gia tăng quyền lợi cho khách hàng, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm bảo hiểm hưu trí không chỉ diễn ra ở Manulife Việt Nam. Các công ty bảo hiểm đều phải “nhìn nhau” để nâng cao sức hấp dẫn cho sản phẩm. Đây là một “cuộc đua” có lợi cho khách hàng.
Cùng với thiết kế chỉnh sửa sản phẩm cho phù hợp với thị trường và khách hàng Việt Nam, các chiến dịch tuyên tuyền về bảo hiểm hưu trí lần lượt được các công ty bảo hiểm thực hiện để nâng cao nhận thức của người dân cũng như DN về sản phẩm này.
Dù chinh phục không dễ, nhưng bảo hiểm hưu trí được đánh giá có nhiều triển vọng phát triển. Theo kết quả khảo sát được Tập đoàn AIA thực hiện từ tháng 7 đến tháng 8/2014, với sự tham gia của 3.000 người thuộc tầng lớp trung lưu tại 6 thị trường trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, khi được hỏi về quỹ lương hưu cần thiết cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu, người Việt cho rằng, cần có khoản tiết kiệm 493.100 USD.
Người Singapore đưa ra con số 898.330 USD; tương tự, Malaysia là 583.380 USD, Indonesia là 181.610 USD, Philippines là 207.610 USD, Thái Lan là 233.960 USD. Trong khi đó, khi được hỏi về tiền tiết kiệm sau khi nghỉ hưu, gần 50% số người được khảo sát lo ngại sẽ không có đủ tiền.
Còn theo kết quả khảo sát gần đây của Viện Lão hóa toàn cầu tại Việt Nam, chỉ có 1/5 số người lao động được hỏi hy vọng sẽ có thu nhập từ tài sản tài chính khi nghỉ hưu, 10% số người được hỏi cho rằng, con cái trưởng thành hoặc những thành viên khác trong gia đình là chỗ dựa thu nhập khi họ nghỉ hưu. Điều này cho thấy, cơ hội để bảo hiểm hưu trí phát triển là rất lớn.
Hiện đã có 6/6 DN bảo hiểm nhân thọ đạt chuẩn của Bộ Tài chính được chấp thuận triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện gồm: Dai-ichi, AIA, Manulife, PVI Sun Life, Prudential, Bảo Việt Nhân thọ. |