Những điều cần biết về sử dụng tiền trong giai đoạn 20 và đầu 30 tuổi

Cân nhắc xem việc mua nhà có phù hợp với bạn hay không

Có thể bạn đã cân nhắc chuyện này rồi khi thực hành phần Thiết lập mục tiêu ở trên, nhưng đối với nhiều người, mua nhà là một trong những khoản chi lớn nhất trong đời và có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống và hạnh phúc sau này. Nên nó đáng được cân nhắc kĩ lưỡng hơn nữa.

Thị trường nhà ở đắt đỏ đã khiến cho việc sở hữu nhà trở thành một khoản đầu tư kém hấp dẫn hơn trước đây. Trên thực tế, một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái cho thấy sở hữu nhà không còn là con đường mang lại tài chính vững mạnh, và những người đem tiền đi đầu tư có thể tăng nguồn tài chính của mình hơn những người mua nhà. Chẳng những thế, nhiều căn nhà có mức tăng giá trị không đủ để đánh bại hoặc thậm chí là theo kịp đà tăng của lạm phát.

“Tôi không chắc là mình sẽ dùng từ “đầu tư” khi nói về việc mua nhà. Nếu bạn mua một căn nhà đơn giản như là một khoản đầu tư, thì dữ liệu lịch sử cho thấy chứng khoán sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với bất động sản”, theo lời ông Oscar Vives Ortiz, một nhà hoạch định tài chính và chiến lược đầu tư tại PNC Wealth Management. Nhưng nếu chúng ta dùng góc độ khác để đánh giá, thì đây là một kênh tích lũy có tính chất bắt buộc mà bạn phải cố gắng trả đều số tiền vay ngân hàng hàng tháng cho đến khi căn nhà hoàn toàn là tài sản của bạn. Vì vậy nhìn ở góc độ hành vi thì đây có thể là một khoản đầu tư tốt.

Tuy nhiên mua nhà không chỉ nhằm mục đích tích lũy tài sản. Rất nhiều người trong chúng ta luôn mơ ước sẽ sở hữu một ngôi nhà có hàng rào trắng trước khoảng sân rộng, và có 1 phòng ngủ dành sẵn cho thiên thần nhỏ. Bạn có được sự riêng tư, ổn định và chốn về của bản thân mình. Giống như rất nhiều quyết định tài chính khác, việc mua nhà không đơn thuần chỉ là vấn đề về tiền bạc.

Holden Lewis, chuyên gia nhà ở của NerdWallet cho rằng: “Nhà là nơi để sống, trong khi đầu tư là để tích lũy cho tương lai. Nếu phải lựa chọn giữa sống trong ngôi nhà khiến bạn vui vẻ nhưng có tiềm năng đầu tư thấp, hoặc sống trong một ngôi nhà không thoải mái nhưng mang lại cơ hội đầu tư tuyệt vời, bạn sẽ lựa chọn gì? Riêng tôi, tôi sẽ chọn hạnh phúc. Nhà không phải là phương tiện để đạt được mục đích, mà bản thân nó là mục đích rồi”.

Vì vậy, hãy xem xét kỹ: Bạn muốn sinh sống ở đâu trong 10 năm tới hoặc có thể lâu hơn? Bạn cần bao nhiêu tiền cho khoản trả trước và làm thế nào bạn có thể dành dụm được số tiền đó? Liệu bạn có thể cân đối được các chi phí duy trì khi về hưu hay không? Liệu thuê nhà ở một địa điểm khác mà bạn mong muốn có thể là một khoản đầu tư tốt hơn hay không?

Ngoài ra, hãy cân nhắc xem ngôi nhà sẽ tác động đến sự nghiệp và cảm hứng sống của bạn như thế nào. Nếu bạn muốn mua nhà để an cư, thì điều đó có thể giới hạn bớt các cơ hội nghề nghiệp dành cho bạn. Khả năng bạn sẵn sàng chuyển chỗ ở vì công việc sẽ ít đi. Nếu bạn đã xác định nơi mình muốn sống và đang gầy dựng gia đình nhỏ thì việc mua nhà sẽ hợp lý hơn.

Chỉ mạo hiểm khi bạn đã có một nền tảng vững chắc

Sau khi đã thiết lập được các khoản tiết kiệm và đầu tư, bạn có thể bắt đầu nghĩ đến việc hưởng thụ.

Rodrigo Guara, CEO và Đồng sáng lập StockPitch, nói lời khuyên tốt nhất mà ông có thể gửi đến các nhà đầu tư trẻ là hãy đi ngược lại khuynh hướng sống không cần biết ngày mai của tuổi trẻ. Sự ổn định là rất quan trọng.

“Chắc chắn, bạn có thể mạo hiểm đầu tư vào các công ty đổi mới sáng tạo vừa tham gia vào thị trường mà bạn thấy tiềm năng, nhưng bạn chỉ nên làm vậy sau khi đã xây dựng được một danh mục đầu tư đa dạng”, Guara nhận định. “Đây là lý do, nghe có thể nhàm chán, mà cách phổ biến để một nhà đầu tư trẻ trở thành người giàu có là đưa phần lớn khoản đầu tư của họ vào những kênh ổn định – tăng trưởng chậm mà chắc theo thời gian.

Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:

Xây dựng một kế hoạch tài chính cho việc sinh con

Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Mỹ từ sơ sinh đến 17 tuổi là 233.610 đô (theo Bộ Nông nghiệp Mỹ), còn ở Việt Nam là 1.9 tỷ đồng (theo một khảo sát mang tính chất tham khảo của báo Đất Việt). Và đó là chưa tính đến giai đoạn trước khi sinh và các khoản chi phí khác (như tiền học đại học). Đương nhiên sinh con không chỉ là một quyết định về tài chính, tuy nhiên bạn cũng không muốn bắt đầu xây dựng một gia đình nhỏ mà không có kế hoạch đúng không?

Đầu tiên, cần tính toán chi phí cho các chăm sóc y tế. Ngay cả khi bạn đã có các loại bảo hiểm trong lao động thì chi phí cũng rất tốn kém. Bạn sẽ muốn tham khảo thêm ý kiến của những mối quan hệ xung quanh, và liên hệ với bệnh viện để tham khảo biểu phí và các điều khoản thanh toán. Ngoài ra, bạn cũng sẽ muốn tìm hiểu về các điều khoản bảo hiểm như tỷ lệ tối đa được khấu trừ, tỷ lệ tự chi trả…

Mặt khác, cần tìm hiểu các chi phí cho thời gian nghỉ sinh nhất là khi bạn là phụ nữ. Một vài nghiên cứu nhận thấy rằng lương của phụ nữ bắt đầu chênh lệch đáng kể so với đàn ông từ độ tuổi 32, trùng hợp với thời điểm nhiều phụ nữ chấp nhận rời bỏ công việc của mình để chăm sóc con cái. Một khi đã rời bỏ, cho dù chỉ nghỉ thai sản hoặc nhiều hơn là vài năm, thì mức thu nhập của bạn cũng khó trở lại được như cũ. Đây là yếu tố tác động sâu sắc không chỉ đến thu nhập mà còn các khoản khác như tiết kiệm hưu trí, lương hưu BHXH và đầu tư…

Phần này không nhằm để can ngăn bạn và tất nhiên, không có phương pháp tài chính nào thần kỳ nào có thể khiến cho kế hoạch sinh con dễ dàng hơn. Điều quan trọng là bạn cân nhắc xem việc sinh con sẽ thay đổi cuộc sống tài chính của bạn ra sao.

su-dung-tien_Fool

Học cách tha thứ cho bản thân và tiến về phía trước

Ai trong chúng ta mà không có sai lầm, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tiền bạc như: trì hoãn việc đầu tư, vướng phải vòng xoáy nợ nần, làm một công việc mà những gì nhận lại ít hơn những giá trị đóng góp… Nhưng nếu bạn không tự thông cảm cho chính mình, thì bạn sẽ không bao giờ có thể tiến lên và bắt đầu lại.

Hãy nhìn vào sai lầm của mình, rút ra những bài học rồi tiếp tục bước tới. Nếu bạn đang ở độ tuổi 30 mà chưa bắt đầu dành dụm cho hưu trí, điều tốt nhất có thể làm vẫn là hãy bắt đầu ngay bây giờ. Nếu các khoản vay của bạn đang trở nên mất kiểm soát, hãy cố gắng giải quyết chúng ngay và nhắc nhở bản thân thanh toán đúng hạn trong tương lai. Nếu bạn đã chi tiêu quá tay vào tháng trước hoặc chốt một khoản đầu tư quá sớm, hãy cân bằng lại cũng như hạn chế các chi tiêu không cần thiết ở tháng này.

Đó là những điều quan trọng mà bạn cần biết về sử dụng tiền trong giai đoạn 20 và đầu 30 tuổi.

(Alicia Adamczyk, cây bút tài chính cá nhân của Lifehacker – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: Moneyunder30)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH