Từ BHXH đến lương hưu: những điều bạn cần biết để hoạch định cho tương lai

Phần này chia sẻ thêm về một số vấn đề bạn đọc quan tâm như: Vì sao tham gia BHXH là bắt buộc? Lạm phát ở Việt Nam khá cao, các khoản trợ cấp BHXH nếu để đến 55-60 tuổi mới được lãnh thì có còn giá trị hay không? Vì sao lại thu hẹp chính sách BHXH 1 lần?…

  • 1. Một góc nhìn khác để bạn có thêm thông tin trước tin tức về nguy cơ vỡ quỹ BHXH đang khiến nhiều người lo ngại

    Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rằng nguy cơ này đến từ bản chất mô hình quỹ BHXH, đặc điểm dân số…, và đây là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam. Ngay cả nước Mỹ cũng đang đối diện với nguy cơ vỡ quỹ.

    Ở Mỹ, mô hình này gọi là quỹ an sinh xã hội (social security). Theo Cục Quản lý Quỹ an sinh xã hội, dự kiến Quỹ có nguy cơ vỡ vào năm 2042. Vì lý do đơn giản: số lượng người rút tiền khỏi hệ thống lớn hơn số lượng người đóng tiền vào. Theo số liệu thống kê của Cục, đến 2031 số người già sẽ gần như gấp đôi hiện tại. Đứng trước nguy cơ này, giải pháp của chính phủ Mỹ là nâng cao tuổi nghỉ hưu lên 67.

    Còn ở Việt Nam, bản Dự báo tài chính Quỹ hưu trí mà Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện cho chính phủ Việt Nam chỉ ra rằng, các chính sách BHXH của Việt Nam đang cao hơn mô hình chung và cần điều chỉnh giảm để đảm bảo hoạt động bền vững.

    Thứ nhất, chương trình hưu trí Việt Nam có đặc trưng là thời gian làm việc ngắn trong khi tuổi thọ tăng. Tuổi nghỉ hưu trung bình là 54, người lao động tham gia đóng bảo hiểm từ 25 đến 30 năm thì sẽ hưởng lương hưu trong 20 năm hoặc nhiều hơn. Tỷ lệ này là không bền vững.

    Thứ hai, người nghỉ hưu nhận được phúc lợi từ quỹ hưu trí nhiều hơn những gì họ đã đóng góp. Thông thường, hệ thống hưu trí chỉ cho phép một tỷ lệ hưởng trong khoảng từ 40 đến 60%. Theo phân tích của ILO, tỷ lệ hưởng của công chức, viên chức Việt Nam là hơn 100%, là tỷ lệ cao nhất các chuyên gia của ILO từng biết.

  • 2. Có thể không tham gia BHXH được không?

    Như phần 1 đã trình bày, BHXH là một trong những chính sách xã hội cơ bản nhất của các nước trên thế giới, và được Liên Hiệp Quốc thừa nhận là một trong những quyền cơ bản của người lao động. Vì vậy BHXH được quy định trong luật pháp các nước là một sự tham gia bắt buộc đối với người lao động.

    Theo đó, Nhà nước có vai trò điều hòa mối quan hệ giữa người lao động và bên sử dụng lao động thông qua quỹ đóng góp chung gắn bó lợi ích và bảo vệ cho cả hai bên. Khi người lao động bị mất khả năng lao động hoặc mất việc làm thì có thể nhận được trợ cấp.

    Từ đó, an sinh xã hội được đảm bảo hơn. Ví dụ như BHXH đảm bảo một phần thu nhập cơ bản cho người già. Nếu không có phần đảm bảo này, người trẻ và xã hội sẽ càng nặng gánh.

  • 3. Lạm phát ở Việt Nam khá cao, các khoản trợ cấp BHXH nếu để đến 55-60 tuổi mới được lãnh thì có còn giá trị hay không (hay chỉ đủ cho vài tô phở)?

    Các khoản trợ cấp BHXH (lương hưu, BHXH 1 lần…) theo luật BHXH quy định là được điều chỉnh bù lạm phát, nghĩa là lạm phát tăng bao nhiêu thì lương hưu điều chỉnh tăng tối thiểu bấy nhiêu.

    Thực tế theo VnEconomy: Mỗi khi lương tối thiểu tăng thì lương hưu cũng phải tăng tương ứng, tạo áp lực lên ngân sách… Nguồn kinh phí từ ngân sách chi cho việc điều chỉnh lương hưu hàng năm là rất lớn, trên 3.000 tỷ đồng/năm và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

    Việc điều chỉnh được thực hiện theo quy định của Chính phủ như sau:

    “Trong đó quy định mức điều chỉnh tiền lương, tiền công, thu nhập đã đóng BHXH được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hàng năm và mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH của năm được xác định bằng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm liền kề trước năm người lao động hưởng BHXH tính theo gốc so sánh bình quân của năm 1994 bằng 100% chia cho chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm t tính theo gốc so sánh bình quân của năm 1994 bằng 100%.

    Nghị định cũng quy định hàng năm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định cụ thể mức điều chỉnh tiền lương, tiền công, thu nhập đã đóng BHXH sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.

    Căn cứ quy định trên, hàng năm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định mức điều chỉnh tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng BHXH.”

    (Nguồn: bhxhbinhdinh.gov.vn)

  • 4. Rút BHXH 1 lần giúp người lao động giải quyết được nhiều trường hợp khó khăn. Vì sao lại thu hẹp chính sách đó?

    Thật ra ở các nước khác không có chính sách BHXH 1 lần. Nhìn lại sự ra đời của BHXH 1 lần ở nước ta là xuất phát từ mục tiêu trợ cấp thất nghiệp. Hiện tại, mục tiêu đó đã được thực hiện bằng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

    Nhưng mục đích chính (nhìn từ góc độ chi trả chính) của BHXH là chính sách an sinh cho người già, nên việc thu hẹp diện BHXH một lần là xu hướng tất yếu và cần thiết. Người Việt chưa có thói quen đầu tư dài hạnvà thường vì những mục tiêu tài chính trước mắt hơn. Chúng ta xem BHXH 1 lần là cứu cánh cho khó khăn ngắn hạn khi còn trẻ, mà thường không thấy được khó khăn khi về già còn khốn khổ hơn nhiều.

  • 5. Trong trường hợp tự kinh doanh, tham gia BHXH tự nguyện có lợi ích gì hơn so với với tự tích lũy không?

    Lợi ích chung của BHXH là sự đảm bảo thu nhập hưu trí cơ bản từ nhà nước.

    BHXH tự nguyện ra đời chủ yếu đáp ứng hai nhu cầu: Một là, tích lũy đủ thời gian đóng BHXH cho những người đang tạm thời nghỉ việc, hoặc gần nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian quy định. Hai là, bổ sung mức đóng BHXH cho người đã tham gia BHXH bắt buộc để tăng mức hưởng sau này.

    Còn khi so sánh từ góc độ hình thức tham gia lao động, các trường hợp làm thuê, tự kinh doanh có pháp nhân hay kinh doanh cá thể sẽ khác nhau ở phân bổ mức đóng BHXH.

    Trường hợp người lao động làm thuê, mức đóng BHXH của họ ngoài phần 8% từ người lao động, còn được người sử dụng lao động đóng thêm 18%. Đây là một lợi ích đáng kể.

    Còn trong trường hợp tự kinh doanh có pháp nhân, người lao động sẽ đóng hai vai, vừa làm chủ vừa làm thuê. Mức đóng BHXH vẫn là 26% trong đó 18% trên danh nghĩa doanh nghiệp.

    Đối với trường hợp kinh doanh cá thể hoặc lao động tự do, người lao động sẽ không được phần đóng thêm của doanh nghiệp. Nhưng bạn vẫn có thể dành một phần tiền tích lũy tham gia BHXH tự nguyện để có sự đảm bảo thu nhập hưu trí cơ bản từ nhà nước. Ngoài ra, bạn sẽ cần phân bổ tiền tích lũy vào nhiều kênh khác nhau như quỹ hưu trí, các kênh đầu tư… chứ không nên tập trung vào một nguồn duy nhất.

  • 6. Vậy còn lựa chọn giữa BHXH và một số sản phẩm bảo hiểm thương mại khác, ví dụ như bảo hiểm nhân thọ (BHNT)?

    Về bản chất, hai sản phẩm tài chính này khác nhau về mục đích và ý nghĩa. Trong khi BHXH nhằm bổ sung thu nhập hưu trí, thì BHNT nhằm bù đắp thu nhập trong trường hợp rủi ro tử vong của người trụ cột.

    Gần đây, các công ty bảo hiểm Việt Nam phát triển sản phẩm Bảo hiểm hưu trí như là một loại bảo hiểm nhân thọ. Ưu điểm của sản phẩm này là sự kết hợp nhiều mục đích, vừa bảo hiểm rủi ro tử vong, tai nạn vừa đầu tư tích lũy cho hưu trí, với cam kết lãi suất đầu tư 3-5% / năm. Tuy nhiên, hạn chế của sản phẩm này là chi phí cao hơn trong khi hiệu suất đầu tư thấp hơn so với việc mua bảo hiểm riêng rồi đầu tư vào quỹ hưu trí hay các kênh đầu tư khác.

  • 7. Quỹ hưu trí nghe có vẻ khá hay nhưng phải 2-3 năm nữa mới ra đời. Vậy nên chờ đến lúc đó rồi tham gia hay tham gia BHXH tự nguyện từ bây giờ?

    Việc dành dụm tích lũy cho hưu trí cần được hoạch định càng sớm càng tốt: vào từng thời điểm chúng ta sẽ xem xét phân bổ tiền tích lũy vào nhiều kênh khác nhau… tùy vào tình hình các sản phẩm tài chính lúc đó.

    Vì vậy, khi quỹ hưu trí chưa ra đời, chúng ta có thể cân nhắc các lựa chọn hiện tại như BHXH, các kênh đầu tư… Đến khi các sản phẩm tài chính mới ra đời trong tương lai, không nhất thiết chúng ta phải chọn cái này bỏ cái kia mà chỉ cần điều chỉnh lại tỷ lệ phân bổ.

    Time-to-Plan-640

Thùy Liên

(BeRich.vn – Nguồn ảnh: Smart About Money, Learn Vest, Flex-PT)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Các khóa học tài chính cá nhân với nhiều nội dung và hình thức

giúp bạn quản lý tài chính hiệu quả cho mình và gia đình.

 

TRUY CẬP BERICH